Bệnh viêm phế quản uống thuốc gì nhanh khỏi?

Viêm phế quản co thắt là gì? Có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?

Phác đồ điều trị viêm phế quản cấp mới nhất theo Bộ Y tế

8 cây thuốc nam chữa bệnh viêm phế quản hay theo dân gian

Viêm phế quản ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?

Viêm phế quản ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

5 Cách chữa viêm phế quản mãn tính bằng lá trầu không tại nhà

Viêm phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bị viêm phế quản nên ăn gì và kiêng gì tốt nhất?

Viêm phế quản cấp là gì? Chẩn đoán và điều trị thế nào?

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm: Bệnh chớ xem thường

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm là tình trạng ống dẫn khí nhỏ bị viêm nhiễm bởi virus và vi khuẩn. Bệnh có thể gây suy hô hấp, xẹp phổi, co giật và tăng nguy cơ mắc các bệnh phổi tắc nghẽn về lâu dài. Bệnh lý này ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ dưới 2 tuổi và thường bùng phát mạnh vào mùa mưa.

Trẻ bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm thường chỉ xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi 

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm là gì?

Viêm tiểu phế quản là một trong những bệnh viêm nhiễm đường hô hấp thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh xảy ra do nhiễm virus dẫn đến tổn thương phế quản nhỏ và gây ra các triệu chứng điển hình như thở nhanh, khò khè, sốt và ho.

Bệnh lý này kéo dài có thể khiến đờm nhớt bị ứ đọng trong cơ quan hô hấp và tạo điều kiện cho sự xâm nhập của vi khuẩn. Tình trạng này được gọi là viêm tiểu phế quản bội nhiễm. Chính vì vậy so với viêm tiểu phế quản đơn thuần, tình trạng bội nhiễm gây ra nhiều triệu chứng nặng nề, có khả năng chuyển biến nặng và dẫn đến hàng loạt các biến chứng nghiêm trọng. Viêm tiểu phế quản bội nhiễm cũng được xếp vào các biến chứng thường gặp của viêm tiểu phế quản.

Ở nước ta, viêm tiểu phế quản thường xảy ra vào mùa mưa (đối với miền Nam) và tháng 3, tháng 9 (đối với miền Bắc). Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất đến trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi (chiếm khoảng 80%). Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), có khoảng 64 triệu trẻ nhỏ mắc viêm tiểu phế quản và có đến 160.000 trường hợp tử vong hằng năm.

Do đó khi nhận thấy trẻ có các biểu hiện bất thường, phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm. Đa phần những trường hợp bị viêm tiểu phế quản nói chung và viêm tiểu phế quản bội nhiễm nói riêng đều có đáp ứng tốt với điều trị nếu can thiệp sớm.

Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản bội nhiễm

Như đã đề cập, viêm tiểu phế quản chủ yếu xảy ra do virus. Trong đó phổ biến nhất là RSV (virus hợp bào hô hấp) chiếm khoảng 50 – 75%. Kế tiếp là Adenovirus (10%), Rhinovirus, Bocavirus, Coronavirus, Parainfluenza, Influenza,… Các tác nhân gây bệnh có khả năng lây lan rất cao. Do đó, bệnh thường bùng phát thành dịch vào một số thời điểm cụ thể trong năm.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus gây ra hiện tượng viêm cấp, phù nề và hoại tử niêm mạc của tiểu phế quản (các đường dẫn khí nhỏ), dẫn đến tình trạng co thắt phế quản và tăng sản xuất dịch nhầy. Hậu quả là cơ thể trẻ phải gia tăng công hô hấp và dẫn đến phát sinh các triệu chứng lâm sàng.

viêm tiểu phế quản bội nhiễm là gì
Phế cấu là một trong những tác nhân gây bội nhiễm ở bệnh nhân bị viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản có thể điều trị hoàn toàn sau khoảng vài tuần. Tuy nhiên trong một số trường hợp, trẻ có thể bị bội nhiễm do liên cầu, vi khuẩn phế cầu và Haemophilus influenzae. Các vi khuẩn này có thể lây từ người lớn sang trẻ khiến tiểu phế quản viêm và phù nề nặng hơn so với giai đoạn đầu.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm:

  • Trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi (do cơ quan hô hấp chưa phát triển hoàn chỉnh)
  • Có người thân trong gia đình mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp
  • Tiếp xúc với các trẻ khác bị viêm tiểu phế quản
  • Sinh sống trong môi trường ô nhiễm

Triệu chứng nhận biết viêm tiểu phế quản bội nhiễm

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm gây ra nhiều triệu chứng lâm sàng. Các triệu chứng thường gặp nhất, bao gồm:

viêm tiểu phế quản bội nhiễm là gì
Trẻ bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm thường có các triệu chứng điển hình như thở nhanh, khò khè,…
  • Sau khi nhiễm, trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ, ho và chảy nước mũi
  • Sau 1 – 2 ngày, xuất hiện các triệu chứng như khò khè, ho nhiều, thở nhanh, co lõm ngực và sốt cao
  • Dẫn đến các triệu chứng thứ phát như trẻ nôn ói, bú ít và khó chịu
  • Nếu không kịp thời xử lý, trẻ có thể bị tím tái do suy hô hấp
  • Đi kèm với dấu hiệu mất nước (sốt, buồn nôn, tiêu chảy, môi khô, dính lại,…)
  • Li bì, cánh mũi phập phồng

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm có nguy hiểm không?

Thông thường, viêm tiểu phế quản cấp tính có thể thuyên giảm sau khoảng 2 – 3 tuần điều trị và không để lại di chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu xảy ra hiện tượng bội nhiễm, thời gian điều trị có thể kéo dài hơn.

Trong trường hợp chủ quan, không đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời, vi khuẩn gây viêm nhiễm có thể phát triển mạnh, tấn công vào các cơ quan hô hấp khác và dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề như:

Trẻ bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm
Bệnh có thể tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng như xẹp phổi, tràn khí màng phổi,…
  • Suy hô hấp: Suy hô hấp là biến chứng thường gặp nhất của bệnh viêm tiểu phế quản bội nhiễm. Tình trạng này xảy ra do cả virus và vi khuẩn tấn công vào đường dẫn khí nhỏ. Trẻ bị suy hô hấp có các biểu hiện như thở nhanh, thở không đều, có lúc ngưng thở, co lõm ngực nặng, rên rỉ và tím tái.
  • Co giật: Co giật do viêm tiểu phế quản không xuất phát do tình trạng sốt cao như các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp khác. Nguyên nhân gây ra biến chứng này là chức năng hô hấp kém khiến khả năng tưới máu giảm. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng thiếu oxy não và gây co giật. Nếu không xử lý sớm, trẻ có thể bị tổn thương não bộ và hệ thần kinh trung ương vĩnh viễn.
  • Xẹp phổi: Xẹp phổi là biến chứng nặng nề của bệnh viêm tiểu phế quản bội nhiễm. Biến chứng này xảy ra do lượng dịch nhầy trong đường dẫn khí tăng lên khiến thể tích phối bị xẹp, thu nhỏ lại. Xẹp phổi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình trao đổi oxy, CO2 và gây ra các biến chứng như viêm phổi, thiếu oxy não, hình thành sẹo phổi và suy hô hấp.
  • Tràn khí màng phổi: Tràn khí màng phổi là tình trạng khí thoát vào bên trong màng phổi khiến 1 hoặc 2 phổi bị xẹp. Tuy nhiên, tình trạng này tương đối ít gặp, chỉ xảy ra ở khoảng 1% bệnh nhi.
  • Viêm tiểu phế quản tắc nghẽn: Viêm tiểu phế quản tắc nghẽn thường xảy ra do nhiễm Adenovirus. Tình trạng này xảy ra do virus gây viêm đường dẫn khí dẫn đến chít hẹp đường thở và gây ra tắc nghẽn.

Một số biến chứng ít gặp hơn:

  • Rối loạn tiêu hóa
  • Viêm tai giữa cấp tính
  • Tăng nguy cơ hen suyễn
  • Suy tim (1%)
  • Rối loạn điện giải
  • Các bệnh lý về não (1.8%)

Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm nhiễm đường hô hấp dưới thường gặp ở trẻ từ 0 – 24 tháng tuổi. Bệnh thường thuyên giảm và phục hồi sau khoảng vài tuần. Tuy nhiên khi xảy ra bội nhiễm, thời gian điều trị có thể kéo dài và nguy cơ gặp phải các biến chứng có thể tăng lên đáng kể. Thực tế cũng cho thấy, có đến 160.000 trẻ tử vong/ năm do mắc phải bệnh lý này. Chính vì vậy, phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan và lơ là trước các biểu hiện của con trẻ.

Chẩn đoán viêm tiểu phế quản bội nhiễm

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm gây ra các triệu chứng khá rõ rệt. Tuy nhiên, triệu chứng của bệnh dễ bị nhầm lẫn với hen phế quản, bệnh ho gà và một số bệnh viêm nhiễm đường hô hấp khác. Do đó trước khi can thiệp điều trị, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán sau:

viêm tiểu phế quản bội nhiễm là gì
Trẻ cần được chẩn đoán trước khi điều trị bệnh viêm tiểu phế quản bội nhiễm
  • Thăm khám lâm sàng: Thăm khám lâm sàng là bước đầu trong chẩn đoán viêm tiểu phế quản bội nhiễm. Trẻ mắc bệnh lý này thường có các triệu chứng điển hình như thở nhanh, thở khò khè, co kéo cơ hô hấp, thân nhiệt tăng (khoảng 41 độ C), nhịp tim nhanh,…
  • Xét nghiệm công thức máu: Xét nghiệm công thức máu ở trẻ bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm nhận thấy số lượng bạch cầu đao động từ 5000 – 24000/m3.
  • Xét nghiệm CRP: Xét nghiệm CRP được thực hiện thông qua xét nghiệm máu nhằm xác định định lượng protein phản ứng C trong huyết thanh. Trẻ bị viêm tiểu phế quản thường có CRP tăng nhẹ.
  • Xét nghiệm bệnh phẩm (phết dịch mũi họng): Bệnh phẩm được thu thập và đem đi xét nghiệm nhằm xác định chủng virus, vi khuẩn gây bệnh. Đối với trường hợp bội nhiễm, bác sĩ sẽ đánh giá chủng vi khuẩn và mức độ nhạy cảm để lên phác đồ phù hợp.
  • Xét nghiệm ELISA: Xét nghiệm ELISA là xét nghiệm giúp phát hiện kháng nguyên theo cơ chế miễn dịch học. Hiện nay, kỹ thuật này được ứng dụng trong chẩn đoán các loại virus gây bệnh ở người. Do đó, trẻ có các biểu hiện của bệnh viêm tiểu phế quản bội nhiễm thường được yêu cầu xét nghiệm ELISA.
  • Xét nghiệm Real-Time PCR: Xét nghiệm Real-Time PCR có thể được chỉ định trong quá trình chẩn đoán viêm tiểu phế quản bội nhiễm. Xét nghiệm này có khả năng khuếch đại số lượng ADN đích nhằm định danh chính xác tác nhân gây bệnh.
  • XQuang phổi: X-Quang phổi là kỹ thuật chẩn đoán không đặc hiệu vì chỉ có khoảng 13% trẻ có biểu hiện trên X-Quang. Trong đó, dấu hiệu thường gặp nhất là thâm nhiễm mô kẽ, ứ khí phế nang, xẹp phổi và đông đặc phổi (gặp ở 24% trường hợp).

Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ cân nhắc thêm về yếu tố dịch tễ, tuổi và triệu chứng lâm sàng của trẻ để đưa ra chẩn đoán. Bên cạnh đó trong một số trường hợp, trẻ có thể phải thực hiện thêm một số xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng để loại trừ các khả năng có thể xảy ra.

Chẩn đoán phân biệt với:

  • Hen suyễn
  • Ho gà
  • Viêm phổi
  • Viêm cơ tim/ Suy tim
  • Dị vật đường thở
  • Các nguyên nhân có thể gây ra tình trạng thở khò khè khác

Các phương pháp điều trị viêm tiểu phế quản bội nhiễm

Viêm tiểu phế quản cấp có thể tự hồi phục nếu điều trị hỗ trợ đúng cách. Tuy nhiên trong trường hợp bội nhiễm, trẻ cần được điều trị y tế kịp thời để phòng ngừa biến chứng. Thực tế cũng cho thấy, có khoảng 10 – 20% trẻ bị viêm tiểu phế quản kéo dài đến hàng tháng. Chính vì vậy, việc chủ động đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị là hết sức cần thiết.

Các phương pháp điều trị viêm tiểu phế quản bội nhiễm:

1. Điều trị nâng đỡ

Nguyên tắc điều trị cơ bản đối với viêm tiểu phế quản bội nhiễm là điều trị nâng đỡ nhằm bù đủ nước cho cơ thể, oxy hóa máu đầy đủ và ổn định tình trạng của bệnh nhân. Sau đó, mới tiến hành can thiệp các phương pháp đặc hiệu.

Các phương pháp điều trị nâng đỡ cho bệnh nhân bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm:

  • Bệnh nhân được đặt ở tư thế nằm, đầu cao khoảng 30 – 40 độ
  • Thở oxygen
  • Thở áp lực dương qua đường mũi
  • Bù nước và điện giải trong 24 – 48 giờ đầu
  • Tiếp tục cho trẻ bú và ăn uống bình thường để nâng đỡ thể trạng. Trong trường hợp nôn ói liên tục, thở nhanh và tăng rõ rệt công hô hấp khi bú sữa/ ăn uống, bác sĩ có thể cân nhắc nuôi ăn bằng cách đặt sonde dạ dày
  • Ngoài ra, có thể chỉ định truyền dịch – nuôi ăn qua đường tĩnh mạch trong trường hợp có mất nước

2. Sử dụng thuốc

Bên cạnh điều trị nâng đỡ, trẻ bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm cần sử dụng kháng sinh và các loại thuốc điều trị triệu chứng.

Trẻ bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm
Trẻ bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm thường có chỉ định dùng kháng sinh và thuốc điều trị triệu chứng
  • Kháng sinh (tương tự kháng sinh điều trị viêm phổi): Kháng sinh là thuốc đặc hiệu trong điều trị viêm tiểu phế quản bội nhiễm, đặc biệt là khi trẻ có các biểu hiện như thở nhanh, co lõm lồng ngực, có các bằng chứng nhiễm vi khuẩn hoặc xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm toàn thân.
  • Corticoid: Corticoid đường tiêm, uống và khí dung không khuyến cáo thường quy. Tuy nhiên trong những trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định thuốc để giảm phù nề ống dẫn khí và đảm bảo chức năng hô hấp của trẻ.
  • Thuốc giãn phế quản (Khí dung Salbutamol): Thuốc giãn phế quản thường không được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm tiểu phế quản bội nhiễm. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể được cân nhắc sử dụng trong trường hợp trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, bản thân hoặc gia đình có cơ địa dị ứng và bị khò khè tái phát.
  • Khí dung Adrenalin: Khí dung Adrenalin được sử dụng khi trẻ có những biểu hiện như khó thở, khò khè và có nguy cơ suy hô hấp. Thuốc có tác dụng làm thông đường thở và đảm bảo chức năng hô hấp của trẻ.

Ngoài ra, bệnh nhi cũng có thể được chỉ định một số loại thuốc khác như thuốc kháng histamine, phun khí dung làm ẩm, sử dụng thuốc co mạch máu mũi để giảm xung huyết,…

3. Vật lý trị liệu hô hấp

Vật lý trị liệu hô hấp là một trong những phương pháp điều trị viêm tiểu phế quản bội nhiễm được áp dụng phổ biến. Phương pháp này giúp hạn chế dịch tiết hô hấp ứ đọng bên trong ống dẫn khí, từ đó giảm nhẹ các triệu chứng như khò khè, khó thở, ho và buồn nôn, nôn mửa.

Vật lý trị liệu hô hấp cho bệnh nhân bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm có thể bao gồm các kỹ thuật sau

  • Rửa mũi: Rửa mũi bằng nước muối sinh lý giúp làm loãng dịch đờm và tạo điều kiện để loại bỏ đờm ứ khi thực hiện vỗ rung long đờm. Ngoài ra, biện pháp này còn có tác dụng làm dịu niêm mạc và giảm phù nề đáng kể.
  • Vỗ rung long đờm: Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng tay tác động lên vùng ngực nhằm thay đổi áp suất trong đường dẫn khí. Vỗ rung long đờm giúp đường thở thông thoáng, hỗ trợ loại bỏ đờm nhớt ra khỏi đường hô hấp và tăng cường sức cơ hô hấp.

Vật lý trị liệu hô hấp thường được chỉ định trong trường hợp viêm tiểu phế quản đã xuất hiện biến chứng ứ đọng đờm nhớt. Do đó, phụ huynh không nhất thiết phải áp dụng phương pháp này cho bé nếu không có chỉ định.

4. Chăm sóc trẻ tại nhà

Sau khi nhịp thở của trẻ ổn định (dưới 70 nhịp/ phút), có thể tự thở mà không cần thở oxy và cơ thể đã bù đủ nước, gia đình có thể làm thủ tục xuất viện và chăm sóc cho bé tại nhà. Tùy theo độ tuổi của bé, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cách chăm sóc để nâng đỡ thể trạng và giúp rút ngắn thời gian điều trị.

Trẻ bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm
Mẹ nên cho bé bú và ăn uống đều đặn để nâng đỡ thể trạng và ngăn bệnh tiến triển nặng

Một số biện pháp chăm sóc trẻ bị viêm phế quản bội nhiễm tại nhà:

  • Cho trẻ bú, ăn uống và nghỉ ngơi điều độ để nâng đỡ thể trạng.
  • Vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý thường xuyên để giảm kích ứng niêm mạc đường hô hấp.
  • Tránh để bé tiếp xúc với trẻ nhỏ – đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Ngoài ra, nên cho bé ở nhà nghỉ ngơi trong thời gian điều trị nhằm hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh mới.
  • Sử dụng thuốc cho trẻ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và đưa trẻ đến tái khám theo lịch hẹn.
  • Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc, phấn hoa và các chất gây dị ứng. Nếu cần thiết, phụ huynh nên sử dụng thiết bị lọc không khí để đảm bảo quá trình điều trị của con trẻ diễn ra thuận lợi.

Phòng ngừa viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ vẫn đang có xu hướng gia tăng. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của con trẻ mà còn gây gánh nặng lên kinh tế của gia đình và xã hội. Do đó, phụ huynh nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh:

Trẻ bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm
Nên cho trẻ dưới 2 tuổi tiêm vaccine ngừa phế cầu, HIB,… để phòng ngừa bội nhiễm khi bị viêm tiểu phế quản
  • Hiện tại, chưa có vaccine đặc hiệu để phòng ngừa RSV – tác nhân chủ yếu gây viêm tiểu phế quản. Tuy nhiên, phụ huynh có thể cho trẻ tiêm vaccine ngừa phế cầu, vaccine phòng HIB (Haemophilus influenza),… Các loại vi khuẩn này chính là tác nhân gây bội nhiễm thường gặp nhất. Việc chủ động tiêm vaccine có thể hạn chế nguy cơ bội nhiễm và giảm thiểu các biến chứng do viêm tiểu phế quản gây ra.
  • Vào những mùa cao điểm của RSV (virus hợp bào hô hấp), mẹ nên cho trẻ tiêm kháng thể đơn dòng RSV – IVIG để tạo ra miễn dịch thụ động với tác nhân gây bệnh. Trên thực tế, việc tiêm miễn dịch thụ động có thể làm giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Hạn chế cho trẻ ra ngoài và tiếp xúc với những người mắc bệnh viêm nhiễm đường hô hấp vào những tháng cao điểm (mùa mưa).
  • Tăng cường sức đề kháng cho trẻ thông qua chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cần cho trẻ bú sữa mẹ đều đặn, không tự ý thay thế bằng các loại sữa công thức nếu không có chỉ định. Ngoài vi chất dinh dưỡng, sữa mẹ còn là nguồn cung cấp kháng thể giúp bảo vệ cơ thể non nớt của trẻ trước tác nhân gây bệnh.
  • Đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như khó thở, thở khò khè, sốt và ho. Tuyệt đối không chủ quan, tự ý sử dụng thuốc để điều trị mà chưa tiến hành thăm khám – chẩn đoán.

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm gây ra nhiều biến chứng đối với chức năng hô hấp và sức khỏe của con trẻ. Chính vì vậy, phụ huynh cần chú ý các biểu hiện bất thường và đưa trẻ đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất.

Cùng chuyên mục

6 Cách chữa viêm phế quản bằng lá trầu không tại nhà

Chữa viêm phế quản bằng lá trầu không tại nhà là một trong những cách điều trị bệnh được lưu truyền phổ biến trong dân gian. Cách chữa này vừa...

Trẻ bị viêm phế quản có tắm được không? Giải đáp

Những trẻ bị viêm phế quản thường xuyên bị tức ngực, khó thở, hơi thở khò khè,… Vậy trẻ bị viêm phế quản có tắm được không? Bài viết dưới...

Viêm phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm phế quản là một căn bệnh khó có thể phân biệt với những loại bệnh như hen suyễn, lao, viêm phổi và diễn biến bệnh xảy ra khá phức...

5 Cách chữa viêm phế quản mãn tính bằng lá trầu không tại nhà

Chữa viêm phế quản mãn tính bằng lá trầu không tại nhà là phương pháp dân gian vừa an toàn vừa mang lại hiệu quả trị bệnh rất cao. Loại...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Ẩn